Câu chuyện của Harold Abbott:
“Trước đây tôi rất hay lo lắng, nhưng vào một ngày mùa xuân năm 1934, khi đang đi dạo trên đường West Dougherty, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng làm tan đi mọi điều âu lo trong tâm tưởng. Chuyện chỉ xảy ra trong vòng 10 giây, nhưng trong 10 giây đó, tôi đã học được cách sống còn nhiều hơn những gì đã học được trong suốt 10 năm.
Hai năm trước đó, tôi có mở một cửa hàng tạp hoá ở thành phố Webb. Cửa hàng này không chỉ làm tôi thua lỗ toàn bộ số tiền tiết kiệm mà còn mắc một khoản nợ đến 7 năm sau mới trả hết. Tôi cất bước nặng nề như người vừa bại trận, hoàn toàn mất hết niềm tin và ý chí chiến đấu. Rồi đột nhiên, tôi thấy có một người đang đi dọc con đường – người ấy không có chân. Ông ngồi trên một cái bục gỗ nhỏ có gắn những bánh xe lăn và dùng hai thanh gỗ cầm ở tay đẩy mình tiến về phía trước. Tôi nhìn thấy ông đúng lúc ông vừa băng ngang qua đường và đang chuẩn bị nhấc người lên cao vài cm để lên vỉa hè. Khi ghếch cái bục gỗ nhỏ lên, ông bắt gặp ánh mắt tôi đang nhìn ông. Ông nở một nụ cười rạng rỡ và vui vẻ nói: “Xin chào, thật là một buổi sáng đẹp trời phải không?” Nhìn người đàn ông đó, tôi chợt nhận ra mình thật giàu có. Tôi còn cả hai chân và có thể đi lại dễ dàng. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã tự than trách số phận quá nhiều. Tôi tự nhủ nếu người đàn ông kia không có chân mà vẫn sống tự tin, vui vẻ và hạnh phúc, thì tôi – với đôi chân lành lặn – chắc chắn sẽ làm được như thế. Tôi thấy mình thở mạnh. Tôi đã định vay ngân hàng 100 đô la, nhưng lúc đó tôi đã đủ can đảm để hỏi vay 200. Tôi đã dự định nói rằng tôi muốn đến Kansas để cố gắng tìm kiếm một công việc. Nhưng giờ đây tôi đã tự tin tuyên bố rằng mình muốn đến Thành phố Kansas để có một công việc. Tôi đã làm được – vay được tiền và cũng có được việc làm.
Hiện tôi vẫn dán những lời này trên tấm gương trong phòng tắm để đọc hằng sáng mỗi khi cạo râu:
Tôi buồn vì không có giày
Cho tới khi tôi gặp trên đường một người không có chân”
Có lần, tôi hỏi Eddie về bài học lớn nhất anh đã học được khi cùng những người đồng hành lênh đênh trên bè gỗ giữa Thái Bình Dương suốt 21 ngày, mất phương hướng và không có lấy một tia hi vọng. Anh nói: “Bài học lớn nhất tôi rút ra từ lần đó là nếu bạn vẫn có đủ nước ngọt để uống và thực phẩm để ăn thì bạn đừng bao giờ phàn nàn về bất cứ điều gì”
Khoảng 90% những điều xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là tốt đẹp, chỉ khoảng 10% là không như mong đợi. Nếu muốn hạnh phúc, tất cả những gì chúng ta phải làm là chú tâm vào 90% những điều tốt đẹp, và bỏ qua 10% những điều bất hạnh. Còn nếu chúng ta cứ muốn chuốc lấy lo âu, cay cú và bệnh loét dạ dày thì hãy cứ tập trung vào 10% bất hạnh kia và bỏ qua 90% những điều tuyệt vời còn lại.
Jonathan Swift, tác giả của quyển Những cuộc phiêu lưu của Gulliver, đã tuyên bố: “Những bác sĩ giỏi nhất thế gian là bác sĩ Ăn Kiêng, bác sĩ Thanh Thản, và bác sĩ Vui Vẻ”
Bạn và tôi có thể luôn hưởng được sự chăm sóc miễn phí của “Bác Sĩ Vui Vẻ” từng ngày từng giờ bằng cách lúc nào cũng nghĩ đến những tài sản vô giá của mình – những tài sản còn vượt xa kho báu của Alibaba trong truyền thuyết. Liệu bạn có bán đi đôi mắt của mình để có được một tỷ đô la? Bạn sẽ chấp nhận lấy cái gì để đánh đổi đôi chân của bạn? Đôi tay của bạn? Thính lực của bạn? Những đứa con của bạn? Gia đình của bạn? Hãy cộng lại tất cả những tài sản đó, bạn sẽ thấy mình không bao giờ muốn đổi những gì đang có để lấy cả đống vàng của gia đình Rockefeller, Ford và nhà Morgan cộng lại.
Nhưng chúng ta liệu có biết trân trọng những gì mình đang có? À, dường như là không. Như Schopenhauer đã nói: “Chúng ta ít khi nghĩ đến những gì mình có mà chỉ luôn nghĩ đến những gì mình thiếu”. Vâng, xu hướng này là bi kịch lớn nhất trên cuộc đời. Nó có thể gây ra đau khổ còn nhiều hơn tất cả những cuộc chiến tranh và bệnh tật trong lịch sử”
Câu chuyện của John Palmer:
“Không lâu sau ngày giải ngũ, tôi bắt đầu tự kinh doanh. Tôi làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì rắc rối nảy sinh. Tôi lo lắng đến nỗi từ một chàng trai dễ mến trở thành một ông già hay gắt gỏng. Rồi một ngày nọ, nhân viên của tôi – một cựu binh trẻ tuổi và tàn phế – nói với tôi: “Johnny này, anh nên tự cảm thấy xấu hổ với chính mình. Anh cư xử như thể mình là người duy nhất trên đời gặp rắc rối. Cứ cho là anh sẽ phải đóng cửa hàng một thời gian, thế thì đã sao? Anh có thể làm lại từ đầu khi mọi chuyện trở lại bình thường. Anh có nhiều thứ để trân trọng, ấy thế mà anh luôn càu nhàu. Anh có biết tôi luôn ao ước được như anh biết chừng nào! Nhìn tôi đây này. Tôi chỉ còn một cánh tay, và một nửa gương mặt đã bị bắn nát, nhưng tôi đâu có phàn nàn: Nếu không ngưng ngay việc ca thán và cằn nhằn, anh sẽ mất đi không chỉ công việc kinh doanh của mình, mà cả sức khoẻ, gia đình và bạn bè nữa.
Những lời khiển trách đó đã vực tôi dậy từ bờ vực thẳm. Chúng khiến tôi nhận ra mình giàu có đến mức nào. Ngay lúc đó tôi hạ quyết tâm sẽ thay đổi và trở lại chính mình trước kia – và tôi đã làm được.”
Logan Smith đã gói gọn trí tuệ uyên thâm của mình trong vài lời sau: “Có hai điều cần phải đạt được trong cuộc sống: thứ nhất, có được những gì bạn muốn; và sau đó tận hưởng nó. Chỉ những người khôn ngoan nhất mới làm được điều thứ hai.”
Bạn có biết làm cách nào để khiến cho ngay việc rửa bát trong chậu cũng trở thành một trải nghiệm đáng nhớ? Vậy hãy đọc quyển sách về lòng can đảm đến khó tin của Borghild Dahl với nhan đề I Want to See (tôi muốn nhìn thấy)
Cuốn sách là một tác phẩm của một phụ nữ đã phải trải qua cảnh mù loà suốt nửa thế kỷ. Bà kể: “Tôi chỉ còn một mắt với nhiều sẹo đến nỗi tôi phải nhìn mọi thứ qua một khe nhỏ bên mắt trái. Tôi chỉ có thể đọc sách bằng cách dí sát vài mặt và cố sức căng mắt về phía góc trái đó”
Nhưng bà không hề than thân trách phận, cũng không muốn bị coi là “khác biệt”. Hồi nhỏ, bà rất muốn chơi nhảy lò cò với những đứa trẻ khác, nhưng lại không thể nhìn thấy những vạch kẻ. Vì thế, đợi các bạn về hết, bà liền xuống sân và vừa bò vừa kề sát mặt xuống đất để có thể thấy được những đường kẻ. Nhờ cách đó, bà có thể nhớ nằm lòng từng khoảng sân chơi và không lâu sau đã trở thành người chơi xuất sắc. Khi tập đọc ở nhà, bà cầm những quyển sách được in khổ to và dí sát mắt đến nỗi lông mi chạm vào cả trang sách. Cuối cùng, bà đã tốt nghiệp đại học và lấy thêm một bằng tiến sĩ.
Năm 1943, khi đã 52 tuổi, một điều kỳ diệu đã đến : bà có thể nhìn rõ hơn trước 40 lần, sau một ca phẫu thuật ở bệnh viện. Một thế giới mới mẻ, thú vị và đáng yêu mở ra trước mắt bà. Giờ đây, ngay cả việc rửa bát cũng khiến bà bồi hồi xúc động. Bà viết: “Tôi bắt đầu nghịch những bọt xà phòng trắng xoá. Tôi ngây ngất trước vẻ đẹp của chúng và thẩm nhủ: “Chúa tôn kính, con cám ơn ngài, cám ơn ngài”
Đã khi nào chúng ta có ý nghĩ cảm ơn cuộc đời vì những điều ta vẫn cho là “tầm thường” đó chưa? Chắc là không. Thậm chí, tôi biết có nhiều người đã cảm thấy vô cùng khổ sở với những chiếc bong bóng xà phòng trong bồn rửa chén! Nếu thế thì chúng ta nên tự xấu hổ với chính mình. Chúng ta được sống trong một xứ sở thần tiên đẹp tuyệt vời là cuộc đời này, nhưng lại quá mù quáng mà không nhận ra điều đó, có lẽ vì quá đầy đủ nên không biết hưởng thụ nó.
Vậy thì giờ đây, bạn có thể ngừng lo lắng và bắt đầu sống thật sự khi làm theo nguyên tắc 13: