Câu chuyện của bà Edith Allred:
“Hồi nhỏ, tôi cực kỳ nhạy cảm và hay xấu hổ. Tôi bị béo phì và những ngấn cằm khiến tôi càng trông béo hơn. Tôi không bao giờ dám tham dự các bữa tiệc; chưa bao giờ vui vẻ và ở trường, tôi cũng không bao giờ chơi các môn thể thao. Tôi mặc cảm với ý nghĩ mình “khác người” và không ai ưa thích tôi.
Lớn lên, tuy kết hôn với một người hơn mình mấy tuổi, nhưng tôi vẫn không thể thay đổi. Mọi người bên gia đình chồng tôi ai cũng thông minh và đĩnh đạc. Họ có tất cả những gì mà tôi ao ước. Tôi cố gắng để được như họ, nhưng không thể. Những nỗ lực của họ nhằm kéo tôi ra khỏi cái vỏ ốc tự ti chỉ càng đẩy tôi vào sâu thêm. Tôi trở nên căng thẳng và cáu kỉnh. Tôi tránh mặt bạn bè. Tình trạng của tôi trở nên tồi tệ đến nỗi ngay cả tiếng chuông cửa cũng làm tôi sợ! Tôi là một kẻ thất bại, và tôi lo sợ chồng mình sẽ nhận ra điều đó. Vì thế, mỗi khi hai vợ chồng ở chỗ đông người, tôi luôn cố tỏ ra vui vẻ – đến mức hơi thái quá; tôi biết thế nên sau đó, ngày nào tôi cũng thấy vô cùng khổ sở, tôi không thiết sống nữa.
Một ngày nọ, mẹ chồng tôi kể lại việc bà đã nuôi dạy những đứa con của mình trưởng thành như thế nào. Bà nói: “Dù có xảy ra chuyện gì, mẹ vẫn luôn nhắc chúng hãy luôn là chính mình”.
“LUÔN LÀ CHÍNH MÌNH!” – Chính câu nói đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Ngay lập tức, tôi nhận ra mình đã tự làm khổ bản thân chỉ vì cố ép mình vào một khuôn mẫu hoàn toàn không phù hợp.
Chỉ sau một đêm, tôi đã thay đổi! Tôi bắt đầu là chính mình. Tôi cố gắng tìm hiểu con người thật của mình, cố gắng tìm ra tôi là ai. Tôi dần nhận thấy những điểm mạnh của bản thân. Tôi học tất cả những gì có thể về màu sắc, phong cách, và ăn mặc theo cách khiến tôi cảm thấy đang là chính mình. Tôi ra ngoài kết bạn, tham dự sự kiện, đứng dậy phát biểu trước đám đông. Phải mất thời gian dài để thay đổi, nhưng giờ đây tôi hạnh phúc hơn cả những gì mình có thể mơ tới.”
Không bằng lòng với chính mình là căn nguyên của những căn bệnh tinh thần, bệnh rối loạn thần kinh chức năng và phức cảm tự ti. Angelo Patri đã nói: “Không ai khổ sở như những người luôn ao ước trở thành một người nào đó mà không phải là chính mình về cả tâm hồn và thể xác.
Nỗi khao khát trở thành một người khác đặc biệt phổ biến ở Hollywood. Sam Wood – một đạo diễn nổi tiếng ở Hollywood cho biết hầu hết diễn viên đều muốn trở thành những siêu sao đã có sẵn. Họ luôn bắt chước phong thái, nét diễn, cách ăn mặc ,… của những người đó. Ông đã không ngừng nhắc nhở họ rằng: “Công chúng đã được thưởng thức những hương vị đó rồi, và bây giờ họ muốn thưởng thức những điều mới mẻ hơn kia”. Sam tuyên bố những nguyên tắc kinh doanh cũng cần được áp dụng trong thế giới điện ảnh: “Bạn không thể đi khắp nơi để bắt chước thiên hạ, cũng như bạn không thể là một con vẹt. Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng nên cho rớt càng nhanh càng tốt những kẻ cố gắng học đòi làm người khác”
Paul Boynton, giám đốc tuyển dụng nhân sự của một công ty dầu khí lớn, nói rằng: “Sai lầm lớn nhất của những người đến xin việc là họ không phải là chính mình. Thay vì cư xử tự nhiên và nói chuyện thẳng thắn, họ thường cố đưa ra những câu trả lời mà họ nghĩ rằng tôi muốn nghe”. Nhưng việc đó chả giúp ích gì, bởi không ai muốn nhận sự giả dối. Không ai muốn có một đồng tiền giả.
William James đã viết: ” So với khả năng thực của mình, chúng ta chỉ mới đánh thức một nửa. Chúng ta chỉ mới đang sử dụng một phần rất nhỏ nguồn lực thể chất và trí tuệ của mình. Nói một cách tổng quát, cá nhân mỗi người có thể làm được nhiều thứ vượt xa giới hạn của bản thân. Con người sở hữu những nguồn sức mạnh mà chúng ta thường không biết cách sử dụng đến.” Bạn và tôi đều có những khả năng như thế, vậy đừng nên lãng phí một giây nào cho việc lo lắng chỉ bởi vì bạn không giống người khác. Trên thế gian này, bạn là một bản thể mới mẻ. Từ thuở khai thiên lập địa làm gì có một ai giống hệt bạn; và sau này cũng sẽ không có ai giống hệt bạn. Khoa học di truyền chứng minh rằng bạn là kết quả của sự kết hợp giữa 24 nhiễm sắc thể của cha và 24 nhiễm sắc thể của mẹ. 48 nhiễm sắc thể này quyết định mọi thứ bạn được thừa hưởng. Xác suất để một người giống hệt bạn là 1/300,000 tỷ! Nói cách khác, nếu bạn có 300,000 tỷ anh chị em cùng chung cha mẹ sinh ra, thì mới có cơ may được một người giống y như bạn. Liệu tất cả chỉ là phỏng đoán? Không, điều đó hoàn toàn có cơ sở khoa học.”
HÃY LÀ CHÍNH MÌNH. Hãy hành động theo lời khuyên đúng đắn của Irving Berlin dành cho George Gershwin. Khi hai người lần đầu tiên gặp nhau, Berlin đang rất nổi tiếng, còn Gershwin mới bắt đầu sự nghiệp sáng tác và phải sống chật vật với tiền công 35 đô-la mỗi tuần. Ấn tượng với tài năng của Gershwin, Berlin đã đề nghị Gershwin làm thư ký âm nhạc cho mình với mức lương cao gấp ba lần. Berlin khuyên: “Nhưng đừng dồn tâm huyết cho công việc này. Nếu làm thế, anh có thể sẽ trở thành một Berlin thứ hai. Còn nếu tiếp tục là chính mình, rồi một ngày anh sẽ trở thành một Gershwin số một”. Gershwin đã lưu tâm đến lời cảnh báo ấy của Berlin và dần dần phát triển tài năng của mình, trở thành một trong những nhà soạn nhạc Mỹ nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Khi Charlie Chaplin lần đầu tiên đóng phim, đạo diễn khăng khăng yêu cầu ông phải bắt chước một diễn viên hài kịch nổi tiếng người Đức thời bấy giờ. Charlie Chaplin đã chẳng đi tới đâu cho đến khi ông thể hiện chính mình trong phim.
Khi Mary Magaret McBride lần đầu tiên lên sóng phát thanh, cô đã cố bắt chước một diễn viên hài kịch Ailen, nhưng thất bại. Khi thể hiện là chính mình – một cô gái nông thôn giản dị – cô đã trở thành một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất New York.
Bạn là một bản thể mới mẻ và duy nhất trong thế giới này. Hãy vui mừng vì điều đó, hãy tận dụng những gì mà tạo hoá đã ban tặng cho bạn. Xét một cách sâu xa, mọi môn nghệ thuật đều có tính chất tự truyện. Bạn chỉ có thể hát lên hay vẽ ra những gì thuộc về con người mình. Bạn phải là chính mình với những gì mà di truyền, môi trường sống và những trải nghiệm đã hình thành nên con người bạn. Dù tốt hay xấu, bạn phải trồng cây trên chính mảnh vườn của mình. Dù hay hay dở, bạn phải chơi nhạc cụ của chính mình trong dàn nhạc của cuộc sống.
Như những gì tác giả Emerson đã nói trong bài luận về “Sự tự lực” : “Đến một lúc nào đó trong đời, người ta sẽ nhận ra rằng ghen tỵ là ngu dốt, bắt chước là tự tử, rằng dù tốt dù xấu thì mỗi người phải là chính mình, rằng dù thiên nhiên có tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng nếu không chịu đổ mồ hôi công sức trên mảnh đất được giao để cấy cày, thì ta không thể có được hạt ngô nào trên cánh đồng của mình cả. Trong mỗi người đều ẩn chứa một sức mạnh mới mẻ, và không ai ngoài người ấy biết được anh ta có thể làm gì, thậm chí chính bản thân người ấy cũng không thể biết cho đến khi anh ta thử sức mình.”
Để gieo mầm một thái độ tinh thần giúp xua tan lo lắng và mang lại sự thanh bình, hãy thực hiện nguyên tắc 14: