#1: Sức mạnh đáng kinh ngạc của thói quen nguyên tử

Câu chuyện về đội tuyển xe đạp Anh Quốc

Từ năm 1908, các tay đua xe đạp nước Anh có thành tích rất tệ. Họ chỉ dành được 1 huy chương vàng ở các kỳ thế vận hội, và thậm chí thành tích của họ còn tệ hơn ở các giải lớn như Tour de France. Trong 110 năm, không có tay đua nào của Anh thắng giải này. Tệ tới mức các hãng xe đạp hàng đầu Châu Âu đã từ chối bán xe đạp cho đội tuyển vì họ lo sợ bị ảnh hưởng doanh số nếu các tay đua chuyên nghiệp khác nhìn thấy đội Anh dùng đồ của hãng mình.

Và bước ngoặc đã đến khi Brailsford – tân Huấn luyện viên của họ – được đưa về giúp đội tuyển Anh vào quỹ đạo mới. Triết lý chính của vị HLV này gói gọn trong 4 chữ: ” Lợi ích cộng gộp” – vốn là triết lý tìm kiếm những cải thiện vi tiểu trong mọi thứ bạn làm.

Cụ thể, họ bắt đầu triển khai các thay đổi nhỏ – cực nhỏ:

  • Thiết kế lại yên xe sao cho dễ chịu hơn
  • Bôi cồn vào lốp xe để bám dính tốt hơn
  • Cho tay đua mặc quần được gia nhiệt bằng điện.

Ngoài ra, đối với những việc đội đang làm tốt, họ tăng thêm 1% cải thiện ở những khía cạnh bị coi nhẹ hoặc ít ai để ý:

  • Thử nhiều loại gel xoa bóp
  • Thay đổi cách rửa tay tốt nhất
  • Thay đổi loại gối giúp ngủ ngon hơn

Khi tất cả hàng trăm cải thiện nhỏ nhặt này tích tụ lại, kết quả ập đến nhanh hơn tưởng tượng của bất kỳ ai. Chỉ năm năm sau, đội Anh đã chiếm lĩnh các cuộc thi lớn. 9 năm sau, khi olympic đến với London, người Anh đã nâng tầm bản thân bằng 9 kỷ lục Olympic và 7 kỷ lục thế giới.

Bằng cách nào lại có một sự thay đổi vĩ đại đáng kinh ngạc như thế này? Câu trả lời là Các thói quen nhỏ tạo ra khác biệt lớn lao.

Thói quen nguyên tử

Thật dễ cho ta đánh giá cao tầm quan trọng của một khoảnh khắc xác định nào đó mà quên đi hoặc coi nhẹ giá trị của việc tạo ra các tiến bộ nhỏ hằng ngày.

  • Ta thường coi trọng kết quả trận chung kết hơn là các buổi tập
  • Ca sĩ thường coi trọng màn trình diễn trên sân khấu và coi thường các buổi luyện thanh
  • Rất thường khi, ta tự thuyết phục bản thân rằng thành công lớn cần có hành động lớn. Từ việc giảm cân, tạo dựng sự nghiệp, viết 1 quyển sách, cho đến chiến thắng chức vô địch, hay đạt được bất kỳ mục tiêu nào khác. Chúng ta đều luôn ép buộc bản thân phải tạo ra một cải tiến kinh thiên động địa khiến ai cũng nhớ tới

Trong khi đó, cải thiện 1% lại chẳng đáng kể – đôi khi nó còn chẳng được nhận thấy – nhưng nó có thể vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là về lâu dài. Khác biệt mà 1 tiến bộ nho nhỏ có thể tạo ra theo thời gian là rất đáng nể. Đây là cách bài toán được tính: nếu bạn có thể đạt được 1% tốt hơn vào mỗi ngày trong vòng 1 năm, bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn 37 lần khi hoàn thành. Ngược lại, nếu mỗi ngày bạn tệ đi 1%, thì trong vòng 1 năm bạn có thể suy giảm xuống gần như bằng 0. Thứ mới đầu là một chiến thắng nho nhỏ hay một trở ngại vụn vặt sẽ tích tụ thành thứ gì đó lớn hơn.

Thói quen là lợi nhuận cộng gộp của sự cải thiện bản thân. Tương tự như tiền bạc tăng theo cấp số nhân thông qua lãi kép, tác động của thói quen sẽ nhân lên khi bạn lặp lại chúng. Thoạt trông chúng có vẻ tạo ra rất ít khác biệt trong 1 ngày bất kỳ nào đấy, nhưng tác động của chúng tính theo tháng và năm có thể rất to lớn. Chỉ khi nhìn lại 5 năm, 10 năm hay 20 năm thì giá trị của thói quen tốt và cái giá phải trả cho thói quen xấu mới trở nên thật rõ ràng ngay trước mắt.

Chúng ta thường bỏ phí các thay đổi nhỏ bởi trông chúng chẳng có giá trị gì mấy tại thời điểm đó.

  • Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm ngay bây giờ, bạn vẫn chưa trở thành triệu phú được
  • Nếu bạn đến phòng gym 3 ngày liên tục, bạn chưa giảm cân ngay được.
  • Nếu bạn học tiếng Trung một giờ liền tối nay, bạn chưa thể thành thạo.

Chúng ta thay đổi một ít, nhưng kết quả dường như không bao giờ đến ngay, thế là ta trượt lại nếp cũ.

Không may là, tốc độ chuyển biến chậm lại là điều kiện thuận lợi cho thói quen xấu trượt dài.

  • Nếu hôm nay bạn ăn một bữa kém lành mạnh, kim đo của cái cân không dịch chuyển mấy.
  • Nếu hôm nay bạn làm việc muộn và bỏ quên gia đình mình, họ sẽ tha thứ cho bạn thôi.
  • Nếu bạn trì hoãn dự án của mình tới ngày mai, rồi cũng sẽ đủ thời gian để bạn hoàn thành sau đó.

Nhưng khi chúng ta lặp đi lặp lại sai sót, 1% ngày qua ngày, bằng cách lặp đi lặp lại các quyết định tệ hại, nhân bản sai lầm vụn vặt, và hợp lý hoá những cái cớ nhỏ nhặt, thì những lựa chọn độc hại sẽ ghép lại thành những kết cục độc hại. Đó là quá trình tích luỹ rất nhiều bước đi sai lầm – 1% sụt giảm đây đó – cuối cùng dẫn đến 1 rắc rối to.

Đưa ra một quyết định tốt hơn hay tệ hơn 1% dường như vô nghĩa vào thời điểm ấy, nhưng trải qua khoảng thời gian đủ dài để tạo nên một đời người, các lựa chọn này sẽ quyết định sự khác biệt giữa việc bạn là ai và bạn có thể là ai. Thành công là sản phẩm của thói quen hằng ngày -không phải của một cuộc-biến-hình-một-lần-trong-đời.

Điều đó có nghĩa là, không cần biết hiện tại bạn thành công hay thất bại như thế nào. Điều thật sự có giá trị là liệu thói quen của bạn có đang đặt bạn trên con đường dẫn đến thành công hay không. Cái bạn cần quan tâm là quỹ đạo hiện giờ hơn là kết quả hiện tại. Nếu bạn tiêu xài vượt mức thu nhập của mình mỗi tháng, thì quỹ đạo của bạn vẫn không ổn, dù cho bạn là triệu phú. Nếu các thói quen này vẫn không đổi, kết cục sẽ không tốt. Ngược lại, dù là bạn đang phá sản nhưng nếu bạn chịu khó tiết kiệm một ít mỗi tháng, thì bạn đang đi trên con đường dẫn đến tự do tài chính – kể cả khi bạn đang di chuyển chậm hơn mình đang mong muốn.

Xem thêm : Sách Quẳng gánh lo đi và vui sống

Mua bản full sách tại đây : Atomic Habits – thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo