Một số bạn trẻ đi làm một thời gian, tích luỹ được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhất định. Đồng thời đạt được những thành tích nhất định. Ngay lập tức bạn có quan niệm: “Tôi làm giỏi, tôi có năng lực, nghiễm nhiên tôi có một vị trí quan trọng trong tổ chức. Rất khó kiếm được người thay thế được tôi”
Đúng là năng lực là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến thành công của một người. Nhưng đó là đối với cá nhân em, còn trong một tổ chức, ta cần nhiều hơn thế.
Thử xét một ví dụ sau : Có một chiếc chuyền chở 2 người sang sông trong một cuộc thi chèo thuyền. Tổng cộng có 10 người chia làm 5 chiếc thuyền. Bạn là người lên thuyền đầu tiên, bạn cũng được chọn đồng đội của mình một trong ba người sau :
- Lực sĩ , chuyên gia chèo thuyền (năng lực 10 điểm)
- Nhân viên văn phòng (năng lực 5 điểm)
- Học sinh (năng lực 2 điểm)
Em sẽ chọn ai để có thể cùng mình chèo qua sông nhanh nhất? Phần lớn mọi người sẽ chọn anh lực sĩ vì năng lực quá vượt trội so với người còn lại. Nhưng lựa chọn này khả năng sẽ đúng nếu đây là một cuộc thi đơn lẻ, anh ta tự chèo con thuyền của mình. Còn nếu trên thuyền là một tập thể, thì ngoài năng lực, anh ta phải cần thêm THÁI ĐỘ HỢP TÁC , nghĩa là cần chèo cùng chiều với đồng đội. Nói cách khác, phải có cùng hướng với lối đi chung của team. Trong trường hợp này, càng chèo giỏi, năng lực càng nhiều, mà nếu chèo ngược chiều, thì hậu quả càng nặng nề.
Quay trở lại công việc của 1 công ty, tổ chức,… Làm lâu , thành tích tốt, có ảnh hưởng trong tổ chức… là những lợi thế của bạn. Nhưng quan trọng nhất bạn cần xác định: Bạn có đang đi cùng hướng với công ty/người quản lý của mình hay không? Khi công ty yêu cầu bất cứ điều gì nằm ngoài vùng thoải mái của bạn, khiến bạn phải thay đổi so với thói quen mỗi ngày, bạn có sẵn sàng tuân thủ không? Khi có nhân viên mới gia nhập đội ngũ, bạn có sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn các bạn hoà nhập nhanh nhất có thể? Hay bạn chỉ sẵn sàng giúp đỡ người nào mà bạn thấy “hợp với mình”, còn đối với những người không hợp với “cảm xúc cá nhân”, bạn sẵn sàng tỏ ý không hợp tác, thậm chí lập nhóm tẩy chay… chỉ để thoả mãn cái tôi cá nhân!
Tất cả những điều trên tuy nhỏ nhưng thể hiện rất rõ việc bạn có “chèo” cùng hướng với công ty/ tổ chức mình đang làm hay không.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa bạn trở thành “con rối”, phải tuân theo người quản lý của mình một cách vô điều kiện. Em hoàn toàn có thể đóng góp cho người quản lý của mình thấy được một hướng đi khác mà em nghĩ là khả thi. Miễn là phải kèm theo GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ. Ví dụ:
- Em không muốn phải gọi khách hàng quá nhiều, anh cho em được tìm kiếm khách hàng trên mạng xã hội. Em cam kết mỗi tuần sẽ có 4 videos thu hút ít nhất 5000 lượt xem, chuyển đổi thành 30 khách hàng tiềm năng cho công ty
- Em không thích phải gọi cold call quá nhiều, anh cho em được xuống gặp khách trực tiếp. Em cam kết sẽ có được 5 deal mỗi tuần
Tương tự, khi không hài lòng về người quản lý của mình, đừng chỉ biết than vãn, tiêu cực… Hãy giỏi hơn họ – hãy tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn họ. Tạo ảnh hưởng ở đây không nhất thiết phải là về doanh số, đôi khi đó là thái độ làm việc, sự cố gắng, năng lượng tích cực… Một ngày, hai ngày, … rồi nhiều ngày cống hiến, chắc chắn sự cống hiến của bạn sẽ được ghi nhận.
Mỗi ngày bạn đi làm giống như bạn đi gửi ngân hàng. Mỗi lời nói tích cực, mỗi sự siêng năng, hết mình của em như là em đã gửi thêm 1 chút “credit” vào tài khoản của mình. Và ngược lại, mỗi lần em vi phạm nội quy, thái độ làm việc không đúng mực, cư xử không tốt với đồng nghiệp … là một lần em đã rút bớt hạn mức trong tài khoản của mình ra mà dùng. Tương tự như ngân hàng, em được quyền rút số tiền mình đã tích luỹ ra mà dùng 1 vài lần, nhưng chắc chắn, không một ngân hàng nào chấp nhận cho em vượt quá hạn mức của mình. Đúng không nào?